Di sản văn hóa của dân tộc Bahnar và Jrai là một kho tàng hết sức phong phú, đặc sắc bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, đó là kết tinh các tinh hoa văn hoá qua nhiều thế hệ của tộc người. Bên cạnh sinh hoạt cồng chiêng, kiến trúc nhà rông, nhà sàn, hay những ché rượu cần mang đậm nét đặc trưng thì tượng nhà mồ (tượng mồ) là yếu tố quan trọng và không thể thiếu trong việc cố kết cộng đồng để tạo nên một di sản văn hóa hết sức riêng biệt.
Với cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn Tây nguyên nói chung, người Bahnar, Jrai ở Gia Lai nói riêng, không gian nhà mồ là nơi ghi lại những dấu ấn một cách rõ nét nhất về các giá trị văn hóa truyền thống. Đây là nơi vừa thể hiện yếu tố tâm linh, vừa thể hiện tính nhân văn cao cả, vừa thể hiện một kiến trúc độc đáo và đặc biệt là nơi mà biểu tượng phồn thực được thể hiện một cách chi tiết, cụ thể trên mỗi bức tượng mồ. Đối với họ việc biểu thị phồn thực qua các tác phẩm tượng mồ là sự cầu mong cho con người đã khuất có được cuộc sống ở thế giới âm như cuộc sống ở trần thế. Từ đó nảy nở các biểu tượng phồn thực dành cho người chết với những tác phẩm điêu khắc được đặt ở nhà mồ khi làm lễ bỏ mả và tạo nên những nét riêng độc đáo trong văn hóa truyền thống dân tộc.
Tín ngưỡng phồn thực, một biểu hiện của khát vọng về cuộc sống con người và thiên nhiên nảy nở, sinh sôi, viên mãn, trường tồn, nó không chỉ là giao hòa đực cái, sự sinh sôi nòi giống hay biểu đạt tính tượng trưng của giao hòa nam nữ mà còn là sự mong muốn, khát khao cuộc sống no đủ, mùa màng tươi tốt, là mạch sống bền bỉ thấm sâu trong cuộc sống. Biểu tượng phồn thực được biểu đạt bởi rất nhiều hình thức khác nhau, tùy theo phong tục của từng vùng, từng dân tộc, từng cộng đồng. Điều dễ nhận rõ nhất là trên các trống đồng Đông Sơn khắc rất nhiều những hình nam nữ giã gạo từng đôi; trên nắp thạp đồng tìm được ở Đào Thịnh (Yên Bái, niên đại 500 năm tr.CN), xung quanh hình mặt trời với các tia sáng là tượng 4 đôi nam nữ đang giao hợp; biểu tượng Linga – cơ quan sinh thực khí nam và Yoni – biểu tượng của cơ quan sinh thực khí nữ, là vật thờ linh thiêng của người Chăm. Đặc biệt là biểu tượng cặp đôi giao hoan trong nghệ thuật điêu khắc tượng mồ của các dân tộc Tây Nguyên nói chung được khắc họa một cách rõ nét, cụ thể và gần với đời sống thực tại.
Người Bahnar, Jrai khi tạc tượng đã làm cho cho từng bức tượng trở nên sinh động như có hồn. Khi chiêm ngưỡng tượng sẽ có cảm giác như mình đang có mặt tại chính buôn làng của họ với các hoạt động quen thuộc của con người diễn ra thường ngày, họ đã đem đến sự gần gũi thân thuộc của cuộc sống đời thường vào trong tác phẩm nghệ thuật một cách tự nhiên. Biểu tượng phồn thực được các nghệ nhân dân gian thể hiện cô đọng, điển hình trong nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ. Đây là những tác phẩm tạo hình vừa thoả mãn tâm linh, niềm tin của con người vào thế giới siêu nhiên vừa mang lại giá trị thẩm mỹ, điểm tô nét đẹp cho cuộc sống, buôn làng.

Tượng mồ tại khu nhà mồ làng Kép, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh
Biểu tượng phồn thực trong điêu khắc tượng mồ của người Bahnar, Jrai được thể hiện rõ nét nhất qua các bức tượng đàn ông, đàn bà khoe bộ sinh dục hoặc tượng nam nữ giao hoan được khắc hoạ một cách tự nhiên với nhiều tư thế, tư thế nào cũng mang tính chủ động, thoáng đạt, không bị gò bó. Đây không chỉ là giao hòa đực cái, sự sinh sôi nòi giống hay biểu đạt tính tượng trưng của giao hòa nam nữ mà còn là sự mong muốn, khát khao cuộc sống no đủ, đông đúc, cuộc sống được sinh sôi, nảy nở. Xuất phát từ trực quan, chúng ta thấy lớp tượng đầu tiên là lớp tượng biểu hiện ý niệm về sự sinh thành. Nó có mối liên hệ nhân quả của các sự kiện, hiện tượng trong cuộc sống một cách lo-gic, chặt chẽ. Từ việc khắc hoạ những tượng nam, nữ lộ sinh thực khí, đến tượng giao hợp của đôi nam nữ, tượng đàn bà chửa đến tượng của các hai nhi,... tất cả thể hiện tính liên hoàn, chu kỳ vòng đời.
Vì để thể hiện tính biểu tượng, một ý niệm, nên những con người ở lớp tượng này không phải là những con người cụ thể mà là "con người chung", "con người khái quát" và ngôn ngữ của điêu khắc là ngôn ngữ gợi tả chứ không đặc tả. Đây là lớp tượng chiếm một số lượng khá lớn trong nhà mồ là biểu hiện đậm nét nhất biểu tượng phồn thực trong tượng mồ của người Tây Nguyên nói chung, người Bahnar, Jrai nói riêng.
Bên cạnh lớp tượng thể hiện ý niệm sinh thành, biểu tượng phồn thực trên tượng mồ của người Bahnar, Jrai còn được thể hiện qua các bức tượng: người giã gạo, điêu khắc hình dáng nồi đồng, điêu khắc chày cối… Giống như bất cứ cư dân nông nghiệp vùng Tây Nguyên nào, người Bahnar, Jrai luôn cầu mong mùa màng tươi tốt, khát khao cuộc sống no đủ, sinh sôi, nẩy nở. Từ thời xa xưa, chày và cối - bộ công cụ thiết thân trong đời sống của cư dân nông nghiệp, đó là những vật tượng trưng cho sinh thực khí nam và nữ, còn việc giã gạo là tượng trưng cho hành động giao phối. Do vậy hình tượng giã gạo cũng như hình tượng chiếc nồi đồng trong điêu khắc của người Bahnar, Jrai không chỉ thể hiện nguyện vọng sinh sôi nảy nở nhanh chóng không những đối với con người mà cả với các chủng loại cây trồng và vật nuôi.
Biểu hiện phồn thực trong mỗi tác phẩm tượng mồ đều thống nhất ở tinh thần biểu hiện, thể hiện sự cầu mong của con người về cuộc sống no đủ, mong muốn sinh tồn, phát triển. Đó cũng là quá trình khám phá những bí ẩn của chính con người và cả những khát khao mãnh liệt muôn đời về năng lực sinh tồn. Điều đó cho thấy biểu tượng phồn thực là nét độc đáo trong kho tàng nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung, tượng mồ của người Bahnar, Jrai ở Gia Lai nói riêng trong dòng chảy văn hóa dân tộc./.
Bài và ảnh: Xuân Toản