Truyền thống văn hóa của hai dân tộc Bahnar và Jrai là sự kết tinh những tinh hoa được chắt lọc, đúc kết từ tất cả các di sản truyền thống trong suốt quá trình tồn tại và phát triển. Khi nói đến giá trị văn hóa truyền thống, có nghĩa là nhắc đến những cái hay, cái đẹp, cái phổ biến, mang tính tích cực trong những hoạt động nhằm hướng con người đến các giá trị “chân - thiện - mỹ”. Cho nên, giá trị văn hóa truyền thống thể hiện bản chất, đặc trưng cốt lõi văn hóa của mỗi tộc người. Như vậy, giá trị văn hóa truyền thống của người Bahnar, Jrai là những đặc điểm, những nét cơ bản được lưu truyền và hình thành từ trong lịch sử, có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội địa phương, của chính bản thân tộc người và được trao truyền qua nhiều thế hệ, tạo thành năng lực nội sinh trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi vùng miền.
Bahnar và Jrai là hai dân tộc cư trú phần lớn ở Bắc Tây Nguyên, trong đó, địa bàn sinh sống tập trung chủ yếu ở tỉnh Gia Lai. Từ những năm đầu thế kỷ XX, đặc biệt là sau năm 1975, vùng đất này đón nhận nhiều tộc người khắp mọi miền đất nước sinh sống. Sự thay đổi về tộc người, sự giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình sinh sống dần dần làm cho nhiều yếu tố trong đời sống văn hóa có nhiều biến đổi, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho nền văn hóa của địa phương. Nhưng, việc gắn liền với vùng đất này từ lâu đời, cộng đồng tộc người Bahnar và Jrai được gọi là dân tộc tại chỗ, và trong bối cảnh ấy, những đặc trưng về văn hóa của các cộng đồng này cũng mang giáng dấp và đại diện cho văn hóa truyền thống của địa phương. Dĩ nhiên, điều này chỉ ở trong chừng mực nhất định và xét trên những khía cạnh cụ thể, bởi cũng có thể có những đặc trưng mang dáng dấp chung của cộng động đồng các tộc người ở Gia Lai, Tây Nguyên nói riêng và cả Việt Nam nói chung, đồng thời cũng có những yếu tố riêng biệt duy chỉ dân tộc đó có thì nó cũng không thể là đại diện cho một đặc trưng văn hóa của địa phương.
Mặc dù hiện nay người Kinh (Việt) chiếm số lượng lớn nhất, song khi nói đến các đặc trưng văn hóa của vùng đất Gia Lai thì các đặc trưng văn hóa của hai dân tộc tại chỗ Ba Na và Gia Rai được xem là đặc trưng văn hóa cơ hữu của địa phương. Khi đi vào từng chi tiết sẽ có những nét khác nhau giữa hai dan tộc Ba Na và Gia Rai, tuy nhiên, về cơ bản đặc trưng văn hóa của hai tộc người này có nhiều điểm tương đồng. Văn hóa truyền thống của người Bahnar, Jrai được khái quát dưới nhiều đặc điểm:
Trước hết về không gian cư trú, người Bahnar, Jrai trong truyền thống gắn liền với rừng, rừng gần như bao trùm mọi hoạt động sinh tồn của con người, nếu không có rừng thì văn hóa của người Bahnar, Jrai sẽ mai một. Đơn vị nhỏ nhất của cộng đồng các dân tộc Bahnar, Jrai là
làng (plei, plơi, bon, buôn). Làng là không gian quần tụ, sinh sống cố kết cộng đồng tạo nên sức mạnh trong cuộc sống. Xưa, quanh các làng người Bahnar, Jrai ở Gia Lai đều có hàng rào bao bọc xung quanh vô cùng kiên cố để bảo vệ. Nay, những hàng rào đã mất dần hoặc vẫn còn, nhưng không vững chắc như trước nữa mà chủ yếu rào để ngăn chặn gia súc phá hoại cây trồng. Giữa làng là ngôi nhà rông. Quan hệ duy trì nề nếp hoạt động của cư dân trong làng ràng buộc các gia đình trong cộng đồng làng với nhau là luật tục không thành văn và vai trò tối cao của già làng, chủ làng
[1]. Trước đây, địa bàn cư trú thường không cố định, họ thường dời làng với nhiều nguyên nhân khác nhau, ngày nay họ ít di chuyển, quen dần với lối sống định cư.
Hai là, kiến trúc truyền thống, nhà ở của người Bahnar, Jrai đều được làm theo kiểu nhà sàn, vật liệu làm nhà như gỗ, tre, tranh được lấy từ trong tự nhiên. Nhà ở không làm lớn như nhà rông. Nhà ở của người Jrai được chia làm hai loại, bên cạnh nhà sàn nhỏ còn có nhà dài. Nhà dài (sang glông) là kiến trúc độc đáo của người Jrai, chủ yếu phân bố ở vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai, nơi có các nhóm Jrai Mthur, Jrai Chor sinh sống. Nhà dài không chỉ là nơi sinh hoạt của gia đình, mà đôi khi còn là nơi để sinh hoạt, hội họp của cộng đồng khi cần giải quyết các công việc của làng (nhà của già làng, trưởng thôn). Nhà rông được xem là biểu tượng văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, người Bahnar, Jrai ở Gia Lai nói riêng, nó thể hiện giá trị vật chất và tinh thần trong đời sống. Nhà rông cũng được dựng bằng gỗ, tre, cỏ tranh, mang các nét kiến trúc đặc sắc, cao, rộng và ngay ở trung tâm của làng. Nhà rông càng cao và rộng thì càng thể hiện sự giàu có, thịnh vượng, sung túc, hùng mạnh của làng. Nhà rông không phải là nơi lưu trú, mà là không gian sinh hoạt cộng đồng lớn nhất mỗi làng; nơi người dân trao đổi, thảo luận về các lĩnh vực hành chính, quân sự; nơi thực thi các luật tục, bảo tồn truyền thống và diễn ra những nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng. Nhà rông là một trung tâm cộng cảm, là nơi để hội đồng là và mọi thành viên cùng nhau giải quyết những công việc liên quan đến mọi thành viên trong buôn làng. Đồng thời còn là nơi thắt chặt thêm mối quan hệ giữa các cá nhân với tập thể, cộng đồng. Người Gia Rai ở vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai không có nhà rông, họ sử dụng nhà dài để trao đổi, thảo luận và giải quyết công việc, thực thi các luật tục… Đặc biệt, nhà mồ (nhà mả) vừa là một công trình kiến trúc độc đáo, vừa là một nét văn hóa tâm linh của người Bahnar, Jrai. Tuy nhiên, mỗi dân tộc, thậm chí trong mỗi nhóm địa phương nhà mồ có những đặc trưng khác nhau. Ngôi nhà mồ và những pho tượng mồ được làm ra để phục vụ cho lễ bỏ mả, sự đoạn giao của người sống và người chết. Nhà mồ được làm ngay tại nghĩa địa của làng, nhà mồ lớn hoặc nhỏ, số lượng tượng mồ nhiều hay ít phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, quan hệ xã hội của từng gia đình. Khi nghiên cứu về nhà mồ Tây Nguyên, TS. Lưu Hùng cho rằng: “Có thể nói nhà mồ, tượng nhà mồ Tây Nguyên như một “bảo tàng” về văn hóa mỗi tộc người: về kiến trúc, về điêu khắc, trang trí cả về vũ trụ quan chứa đựng trong đó”
[2].
Ba là, về kinh tế truyền thống của người Bahnar, Jrai gắn liền với rừng, nương rẫy với hình thức trồng trọt, săn bắn và hái lượm. Đặc điểm kinh tế truyền thống của người Bahnar, Jrai là nông nghiệp giữ vai trò chủ yếu với các hình thức tự cung, tự cấp. Các hình thức săn bắt, hái lượm vẫn được duy trì, nhưng chỉ ở vị trí thứ yếu. Việc săn bắt không chỉ nhằm mục đích bảo vệ mùa màng, có thêm nguồn thực phẩm mà còn là yêu cầu truyền thống của xã hội Tây Nguyên.
[3] Nương rẫy là hình thức trồng trọt chủ yếu, giữ vai trò lớn trong cả đời sống kinh tế, văn hóa lẫn tâm linh. Rẫy được canh tác theo chu kỳ khép kín, với cách thức chọc lỗ, tra hạt. Chăn nuôi chủ yếu các loại như: trâu, dê, lợn, gà… nhằm phục vụ các nghi lễ tín ngưỡng là chính. Ngoài hoạt động nông nghiệp, người Bahnar, Jrai còn một số nghề thủ công phổ biến là dệt, đan lát, mộc, rèn… nhưng với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu người dân trong cuộc sống hàng ngày.
Bốn là, nghề thủ công truyền thống, người Bahnar, Jrai có những nghề thủ công truyền thống gần như giống nhau đó là đan lát, dệt vải, chế tác nhạc cụ, rèn, làm rượu cần… Các nghề thủ công truyền thống tuy giữ một vị trí quan trọng trong cuộc sống, nhưng nó không giữ vai trò chính của nền kinh tế, vì sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho đời sống hàng ngày, chỉ khi không làm được, người ta mới trao đổi vật chất khi cần thiết. Tuy nhiên, nghề thủ công truyền thống lại hàm chứa những giá trị về đặc trưng văn hóa của từng tộc người, được thể hiện rõ nét trên từng sản phẩm.
Năm là, trang phục truyền thống, một trong những nhân tố tạo nên sự tương đồng và khác biệt một cách rõ nét nhất cho văn hóa của mỗi tộc người. Trong truyền thống người Bahnar, Jrai đã sử dụng các loại cây, võ cây có trong tự nhiên để làm ra các loại trang phục bằng võ cây, về sau mới biết lấy bông để xe sợi, làm khung dệt vải cho ra những tấm thổ cẩm để khâu vá làm trang phục cũng như một số vật dụng trong gia đình: tấm đắp, tấm địu con, khăn quấn đầu… Về cơ bản, trang phục của người Bahnar và Jrai đều có những yếu tố cấu thành khá tương đồng: Nam thường đóng khố, cởi trần hoặc choàng tấm khăn, Nữ mặc áo chui đầu, quấn váy. Trang phục truyền thống gồm hai loại: loại để mặc hàng ngày không có hoặc rất ít hoa văn và trang phục dùng trong lễ hội với hoa văn phong phú và đa dạng. Màu sắc chủ đạo trong trang phục của người Bahnar là màu chàm, với điểm nhấn các hoa văn màu đỏ, vàng và trắng. Nét đặc trưng của trang phục người Bahnar, Jrai không chỉ thể hiện trên các loại trang phục chính, hoa văn tạo hình mà còn được biểu hiện thông qua việc phối hợp cùng các loại trang sức: Bông tai ngà voi, khuyên tai bạc, vòng đeo cổ, vòng đeo tay, chuỗi hạt cườm ngũ sắc...
Sáu là, ẩm thực truyền thống, một trong những đặc trưng không thể thiếu khi đề cập đến văn hóa truyền thống đó là ẩm thực. Ẩm thực của người Bahnar, Jrai khá tương đồng và rất phong phú các món được chế chiến từ các nguyên liệu có thân thuộc trong cuộc sống, tiêu biểu với cơm lam, gà nướng, rượu cần. Bên cạnh đó các món ăn thông dụng sử dụng nguyên liệu có trong tự nhiên cũng là một yếu tố tạo nên đặc trưng của ẩm thực Bahnar, Jrai như: cà đắng, lá mì, rau dớn… Ngày thường, người Bahnar, Jrai ít khi uống rượu cần, ăn cơm xong chỉ uống nước lạnh, loại nước được lấy từ giọt nước, đựng trong các quả bầu khô. Rượu cần chỉ phục vụ khi gia đình có khách quý hoặc dùng trong các nghi lễ.
Bảy là, tín ngưỡng, văn hóa dân gian, người Bahnar, Jrai theo tín ngưỡng đa thần – vạn vật hữu linh, biểu hiện tập trung nhất là việc thờ cúng các loại thần (yang): thần đất, thần sông, thần núi, thần cây, thần mặt trời… Họ cho rằng: “có 3 thế giới: một là, thế giới của con người và những gì họ có thể nhìn thấy xung quanh trên mặt đất, trên bầu trời; hai là, thế giới của các linh hồn, nơi người chết ở; ba là, thế giới của các vị thần linh”
[4]. Vì vậy, trước khi làm một việc hệ trọng gì, họ đều tổ chức các buổi lễ cúng yang, mong cho mọi chuyện thuận lợi, đạt được ý nguyện.
Kho tàng văn hóa, nghệ thuật của người Bahnar, Jrai hết sức phong phú và đa dạng, được biểu hiện dưới nhiều hình thức: Hệ thống nghi lễ đặc sắc gắn với chu kỳ vòng đời (lễ thổi tai, lễ cầu sức khỏe, lễ bỏ mả…), chu kỳ sản xuất nông nghiệp (lễ cầu mưa, lễ mừng lúa mới,…); Cộng đồng các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên nói chung, người Bahnar, Jrai ở Gia Lai nói riêng được xem là nơi lưu giữ những huyền thoại. Văn học dân gian với các thể loại như: sử thi, câu đố dân gian, dân ca, truyện cổ, đồng giao…thể hiện sự phong phú trong văn học cổ truyền; Nghệ thuật tạo hình độc đáo với nhiều sắc thái, các đồ án hoa văn đa dạng được thể hiện trên các vật dụng đan lát, thổ cẩm hoặc trong các dụng cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, các tác phẩm điêu khắc gỗ … biểu hiện cho tâm tư, tình cảm và hoạt động sống một cách sinh động và tinh tế; Các loại hình dân ca, múa soang, nhạc cụ truyền thống độc đáo với nhiều nhạc khí được làm từ chất liệu tự nhiên như đàn T’rưng, đàn Gong, đàn Kni. Đặc biệt, cồng chiêng – loại nhạc cụ mang biểu trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Tám là, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (trong đó có Gia Lai), được UNESCO ghi vào danh mục văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ ngày 25/11/2005. Với người dân Tây Nguyên cồng chiêng không đơn thuần chỉ là một loại nhạc cụ mà còn là một linh khí, là phương tiện giúp con người giao tiếp với thần linh, là phương tiện chuyển tải thông tin nhanh nhất giữa các buôn làng. Cồng chiêng có mặt trong mọi nghi lễ của cộng đồng cũng như của từng gia đình, từ lễ hội liên quan đến cá nhân, buôn làng cho đến những lễ hội trong một mùa trồng trỉa của cộng đồng. Các dân tộc tại chỗ Gia Lai đánh cồng chiêng xung quanh trung tâm biểu tượng thiêng như cây nêu, giàn cúng trong nhà rông, cây cột rượu cúng trong nhà sàn, nhà mồ… Bộ cồng chiêng có bao nhiêu chiếc và bao nhiêu nhạc cụ phụ trợ (trống, chum chọe, lục lạc…) sẽ cần bấy nhiêu người đánh. Mỗi nghệ nhân chỉ sử dụng một chiếc. Những người đánh chiêng đi thành một vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ, giúp cho mọi tiếng cồng chiêng đều đến được trung tâm thiêng, nơi các thần linh bay về ngự trị. Riêng chiêng Kơđơ
(tơnah), loại chiêng quý mà người Gia Rai ở vùng Ayun Pa chỉ đánh trong những lễ hội vui, thì người đánh chiêng ngồi trên những chiếc ghế kơpan.
Như vậy, có thể nói rằng, văn hóa truyền thống của người Bahnar, Jrai ở Gia Lai hết sức phong phú và đa dạng, góp phần tạo nên một vùng văn hóa Tây Nguyên rực rỡ sắc màu, khi nói về người Tây Nguyên và văn hóa Tây Nguyên, GS.TS Ngô Đức Thịnh Cho rằng: “người Tây Nguyên và văn hóa Tây Nguyên là bức thảm nhiều sắc màu”
[5].
Như một quy luật tất yếu khách quan, bất kỳ một nền văn hóa nào cũng trải qua quá trình giao lưu, hội nhập và tiếp biến. Do đó, cần đặt văn hóa của người Bahnar, Jrai trong bối cảnh, không gian truyền thống để hồi cố khi miêu tả, nhìn nhận ở xã hội hiện đại để nhận thấy được sự biến đổi đa chiều của chủ thể văn hóa, không gian văn hóa và thời gian văn hóa.
Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng là nơi vốn bảo lưu được những yếu tố văn hóa cổ truyền rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, khi đều kiện kinh tế xã hội, điều kiện tự nhiên và môi trường sinh sống có nhiều biến đổi, dẫn đến văn hóa truyền thống có nhiều biến đổi nhất định. Sự biến đổi không gian sinh sống, phương thức sản xuất, nếp sinh hoạt văn hóa đồng nghĩa với việc làm mất hoặc giảm đi sự tồn tại của “không gian thiêng” – một thành tố quan trọng trong việc cấu thành di sản văn hóa ở Tây Nguyên nói chung, người Bahnar, Jrai ở Gia Lai nói riêng. Các loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống như: cồng chiêng, múa xoang, tổ chức lễ pơ thi, kể khan hay tạc tượng gỗ… dường như chỉ còn lại với hình thức biểu diễn theo yêu cầu, hàm chứa ít hoặc không còn là thành tố văn hóa nội tại của cộng đồng.
Trong xã hội hiện đại, sự biến đổi là tất yếu. Khi đó, vai trò văn hóa truyền thống lại càng được thể hiện rõ hơn, là cầu nối giữa quá khứ hiện tại và tương lai, giữa truyền thống và hiện đại, gắn kết cộng đồng dân tộc, là xuất phát điểm của quá trình phát triển. Do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống là nhiệm vụ cấp thiết không chỉ của riêng ai, mà là nhiệm vụ đòi hỏi sự tham gia của toàn dân, toàn xã hội, đặc biệt là cần có sự tham gia của chính bản thân chủ thể văn hóa. Cần tạo điều kiện để chủ thể văn hóa tham gia vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, bởi chính cộng đồng vừa là người tạo ra di sản, vừa thực hành di sản, đồng thời cũng là người hưởng thụ và hưởng lợi từ di sản. Khi đó việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa truyền thống của người Bahnar, Jrai mới bền chặt./.